Tại Việt Nam, việc cúng giải hạn vào dịp đầu năm mới là việc khá phổ biến đối với hầu hết đại đa số người dân. Phong thuỷ dân gian cho rằng, mỗi người trong chúng ta đều có 9 chòm sao và 8 hạn lần lượt chiếu mệnh, luân phiên vào mỗi năm. Vậy 9 chòm sao, 8 hạn đó là gì? Mỗi năm khác nhau như thế nào? Và tại sao chúng ta lại thực hiện cúng giải hạn? Bài viết của Top1dexuat.com sẽ giải đáp cho các bạn rõ hơn về vấn đề này.
Nguồn gốc của việc cúng giải hạn
Theo nhiều nguồn thông tin cho rằng việc cúng giải hạn bắt nguồn từ phương Đông, cụ thể là Đạo giáo Bắc tông Trung Quốc. Sở dĩ như vậy vì chúng ta đã trải qua 1000 năm đô hộ nên ít nhiều có những nét văn hoá, phong tục có ảnh hưởng. Dựa trên quan niệm của người phương Đông, mỗi người sinh ra trên đời sẽ lần lượt được 9 chòm sao và 8 hạn chiếu mệnh vào mỗi năm. Có những chòm sao, những hạn sẽ mang lại may mắn, tài lộc, vận khí cho chúng ta.
Tuy nhiên cũng có những chòm sao, những hạn mà khi được chiếu mệnh chúng ta sẽ gặp những điều xui xẻo, không may mắn. Do đó, một niềm tin đã được tạo ra rằng việc con người tiến hành các nghi lễ cầu xin, thờ cúng, khấn vái… khi bị sao xấu chiếu mệnh thì sẽ hạn chế được những điều không may mắn, tai qua nạn khỏi.
Vì việc đi chùa cầu may, xin lộc vào đầu năm và việc cúng giải hạn là hoạt động diễn ra song song nên nhiều người lầm tưởng rằng đây là một nét văn hoá của tôn giáo – cụ thể ở đây là Phật Giáo. Vì cả hai đều cho rằng thông qua tu luyện có thể hoá giải được điều xấu, hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không chính xác bởi vì đây chỉ là một hình thức tín ngưỡng nhân gian.
Phủ nhận như vậy bởi trong kinh văn của Phật Giáo có đoạn khuyên, ngăn cấm việc thầy kỳ xem bói, không cúng sao giải hạn… của Đức Thế Tôn. Tổ tiên, cha ông ngày xưa của người Việt chỉ đi chùa, thờ cúng nhằm cầu may mắn, bình an cho gia đình chứ không xem sao, xem hạn để có những thủ tục cúng riêng biệt.
Giới thiệu sơ lược về 9 chòm sao, 8 hạn
Theo phong thuỷ, cuộc đời mỗi người sẽ có tất cả là 24 sao được chia thành 09 chòm lần lượt với các tên gọi như sau:
- Thái Dương
- Thái Âm
- Thái Bạch
- Vân Hán (hay còn được gọi là Vân Hớn)
- Mộc Đức
- Thổ Tú
- Thuỷ Diệu
- La Hầu
- Kế Đô
Trong 09 chòm sao này lại chia thành 03 nhóm, cụ thể:
- Nhóm chòm sao tốt: Mộc Đức, Thái Âm, Thái Dương.
- Nhóm chòm sao trung bình: Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Vân Hán.
- Nhóm chòm sao xấu: Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô.
Về hạn thì căn cứ vào mệnh ngũ hành nạp âm sẽ có 8 hạn với mức độ khác nhau như sau:
- Về đại hạn: hạn Huỳnh Tiền (hao tiền tài và sức khỏe).
- Về hạn sao: Toán Tận, Thiên La, Địa Võng, Thiên Tinh, Diêm Vương (lần lượt sẽ là các vấn đề liên quan đến tiền tài, bệnh tật; kẻ xấu ám hại; mang họa thị phi, tù tội; kiện tụng, thị phi; tin buồn).
- Về tiểu hạn: Ngũ Mộ, Tam Kheo (hao tài; nhức mỏi tay chân).
Năm xấu nhất được xem là năm mà sao La Hầu chiếu vào người nam, sao Kế Đô chiếu vào người nữ.
Hạn Tam tai
Ngoài những năm bị sao, hạn xấu chiếu, mỗi người còn trải qua một hạn gọi là “Hạn tam tai” gồm Hoả tai, Phong tai, Thuỷ tai.
Đầu tiên hãy cùng giải nghĩa về “Tam tai”. Tam ở đây là nghĩa là thứ ba, số ba. Tai có nghĩa là tai hoạ. Như vậy “Tam tai” có nghĩa là tai họa trong 3 năm liên tiếp. Lần lượt cứ 12 năm, mỗi người sẽ gặp tam tai một lần. Chưa có tài liệu nào giải thích được tại sao lại có hoạ tam tai này, nhưng đa phần mọi người đều cảm thấy lo lắng khi mình bước vào giai đoạn này và vui mừng khi mình kết thúc 3 năm đó.
Theo phong thuỷ, trong 3 năm tam tai mỗi người sẽ có những việc được khuyên nên hạn chế:
- Năm đầu: mọi người được khuyên là không nên bắt đầu tiến hành những công việc quan trọng vì sẽ không được suôn sẻ, thuận lợi. Chỉ nên duy trì những việc đang thực hiện.
- Năm giữa: sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến những việc bạn đang làm. Tuy có gặp khó khăn nhưng vào thời gian này bạn nên tiếp tục cố gắng duy trì, không nên vì khó khăn mà bỏ dở.
- Năm cuối: mọi thứ sẽ dễ thở hơn, có những dấu hiệu chuyển sắc để bước qua giai đoạn mới.
Cúng giải hạn là gì?
Vào đầu dịp tết đến xuân về, mọi người thường có xu hướng đi xem sao, xem hạn. Thường những bảng phân tích sao hạn sẽ được dán nhiều ở các đền, tịnh thất, chùa… Ngoài ra trong thời buổi công nghệ hiện nay, chúng ta có thể tra được những thông tin này trên mạng. Những người nào xem thấy mình rơi vào mệnh chiếu của các chòm sao, hạn nặng thì sẽ tiến hành đi cúng giải hạn.
Cúng giải hạn và việc mọi người chuẩn bị các thủ tục theo quy tắc, luật lệ nhất định (hay còn gọi là lễ vật) để mang đến các thầy cúng, nhà sư để họ thực hiện thủ tục cầu khấn, thắp đèn có ghi tên người cần được giải… nhằm mong người bị sao, hạn xấu tai qua nạn khỏi, tránh được những điều không may.
Tại sao phải cúng giải hạn?
Theo quan niệm từ xưa đến nay, việc cúng giải hạn sẽ làm giảm nhẹ những rủi ro, vận xui khi người đó bị sao xấu, hạn xấu chiếu phải. Việc làm này nhằm mục đích cầu xin cho mình, người thân trong năm mới sẽ hoá giải bớt những điều không may mắn, hạn chế được tối đa những xui xẻo được nhắc đến khi gặp phải sao nặng, hạn nặng.
Theo tâm lý chung của những người tin vào tín ngưỡng này, thì khi bản thân mình, người thân xung quanh gặp phải sao xấu như Kế Đô, Thái Bạch… và hạn nặng như Huỳnh Tiền thì bắt buộc phải đi cúng giải hạn. Họ sẽ không yên tâm khi biết trước được những rủi ro mà mình có thể gặp phải mà mình vẫn ở yên không chịu làm gì.
Tuy hiệu quả thực tế của việc cúng giải hạn chưa được chứng thực rõ ràng. Nhưng hiệu quả trước mắt là việc này có thể giúp ổn định tâm lý của người được cúng. Bởi vì bên trong họ đã có niềm tin về tín ngưỡng cúng giải hạn cho nên sau khi tiến hành các thủ tục cúng xong, bản thân mỗi người sẽ cảm thấy phần nào yên tâm.
Suy nghĩ “Có thời có thiêng, có kiêng có lành” giúp mọi người tin rằng mình đã hoá giải được những điều xui xẻo. Trường hợp nếu có những vấn đề không may xảy ra trong năm đó, mọi người cũng sẽ cho rằng nếu không có việc cúng giải hạn thì có thể họ đã gặp phải chuyện xui xẻo hơn. Điều này phần nào khiến cách nhìn của mọi người trước những việc diễn ra được nhẹ nhàng hơn.
Địa điểm cúng giải hạn
Việc cúng giải hạn có thể được tiến hành tại nhà hoặc tại chùa. Nếu tiến hành cúng tại nhà, bạn cần cúng ở ngoài trên chứ đừng nên cúng ở trong nhà. Trường hợp gia đình bạn ở không có sân thì có thể cúng giải hạn tại sân thượng hoặc gần cửa sổ, miễn là nơi thoáng đãng, có lượng không khí nhiều.
Nếu tiến hành cúng giải hạn tại nhà thì bạn nên có sách hướng dẫn để làm theo cho đúng. Nhưng đa phần hiện nay mọi người đều chọn đến nơi của các thầy cúng, thầy pháp để thực hiện cúng giải hạn.
Chuẩn bị gì để cúng giải hạn?
Thường thì tại những nơi xem sao hạn như các am, tịnh thất, chùa gia đình… sẽ có đầy đủ những thứ mà bạn cần chuẩn bị. Mọi người chỉ cần đến đăng ký danh sách, ghi tên các thành viên mắc phải sao nặng, hạn nặng và để lại một khoản tiền nhất định để nơi đó thay bạn sắm sửa lễ vật.
Lễ vật gồm những món cơ bản như: đèn (hoặc nến); bài vị có ghi tên sao/hạn; gạo, muối; trầu, cau; trái cây; nước; giấy tiền vàng. Đối với mỗi chòm sao, hạn sẽ có cách bố trí, hướng lạy, màu sắc bài vị, nội dung ghi lên bài vị và nội dung khấn cũng khác nhau.
Đối với hạn tam tai thì cần thêm một buổi cúng riêng. Thủ tục chuẩn bị cũng hơi phức tạp hơn một chút. Đầy đủ sẽ gồm có:
- Bài vị cúng: in nội dung trên giấy màu vàng hoặc đỏ sau đó dán lên que, đặt giữa mâm.
- Bộ tam sên bao gồm: trứng luộc, thịt luộc, tôm luộc.
- 1 gói đựng: tóc, móng tay của người cần giải hạn tam tai và tiền lẻ.
- Và các món đồ trong cúng giải hạn bình thường như: bình hoa, trái cây, gạo, muối, nhang (3 nén), rượu (3 ly), đèn hoặc nến (3 cây), trầu cau (3 miếng), thuốc hút (3 điếu), bộ đồ giấy (2 bộ), tiền vàng mã (3 xấp).
Thời gian cúng giải hạn
Ngày nay, việc cúng giải hạn thường diễn ra một lần vào dịp đầu năm mới. Sẽ có các ngày tương ứng với mỗi chòm sao trong tháng để thực hiện cúng giải hạn cho đúng. Cụ thể thời như sau:
- Sao La Hầu: 08 Âm lịch
- Sao Thái Bạch: 15 Âm lịch
- Sao Kế Đô: 18 Âm lịch
- Sao Thổ Tú: 19 Âm lịch
- Sao Thuỷ Diệu: 21 Âm lịch
- Sao Mộc Đức: 25 Âm lịch
- Sao Thái Âm: 26 Âm lịch
- Sao Thái Dương: 27 Âm lịch
- Sao Vân Hán: 29 Âm lịch
- Hạn tam tai tuỳ vào mỗi năm và tuổi của mỗi người mà sẽ có ngày cúng nhất định, thường là vào 13, 14, 15 Âm lịch tháng Giêng.
Nhìn chung cúng giải hạn là một tín ngưỡng mang tính nhân văn. Tuy nhiên hiện nay nhiều người đang quá lạm dụng vào hình thức này. Các thầy pháp lợi dụng để trục lợi, bày ra nhiều chiêu trò, lễ cúng nhằm mục đích trục lợi cho bản thân. Người dân thì quá phụ thuộc cuộc sống của mình vào vấn đề tâm linh, mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều đổ lỗi, quy chụp khó khăn, thất bại của mình gặp phải là do mình bị sao, hạn nặng chiếu mệnh. Hoặc sau khi cúng giải hạn thì có tâm lý ỷ lại, không cố gắng phấn đấu trước những khó khăn.
Hơn nữa, vào mỗi dịp tết đến xuân về là lại xuất hiện nhiều cảnh chen chúc, mất đi vẻ đẹp đi chùa cầu an ngày đầu năm. Hãy để việc cúng giải hạn trở về đúng bản chất, vẻ đẹp tín ngưỡng ban đầu. Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ hiểu rõ hơn về cúng giải hạn một cách đúng nhất.