Ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, là một trong những phương tiện giao tiếp gần như đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của con người. Thế giới hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng ngôn ngữ nhanh chóng và hiệu quả.
Hiện tượng rối loạn ngôn ngữ có thể gặp ở trẻ em và cả người lớn, gây nhiều cản trở và rắc rối không đáng có trong cuộc sống, người mắc chứng rối loạn ngôn ngữ thường gặp khó khăn, trở ngại trong cách diễn đạt suy nghĩ, ý kiến, câu từ của bản thân thông qua lời nói. Do đó, việc giao tiếp với người khác không đạt hiệu quả như mong muốn. Cùng Top1dexuat.com tìm hiểu chi tiết ngay sau đây!
Một số dấu hiệu nhận biết rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ
- Trẻ thường xuyên mất tập trung hoặc chậm hiểu khi lắng nghe người khác nói chuyện với mình, đặc biệt khi có tiếng ồn ào xung quanh, không làm theo được những gì bố mẹ dạy bảo.
- Khó khăn trong trình bày câu nói, với các kỹ năng ngôn ngữ ban đầu như ghép vần, diễn đạt suy nghĩ thông thường kém, hay quên từ, có các biểu hiện như: nói ngọng, nói lắp, nói lộn xộn, chậm nói, nói sai câu từ, ngữ pháp…
- Có vốn từ vựng hạn chế so với những bạn học và các đứa trẻ cùng tuổi, đôi khi phải sử dụng động tác để diễn đạt ý muốn nói.
- Âm thanh giọng nói thay đổi thất thường, lúc khàn giọng, lúc to nhỏ khác nhau, bỏ sót hoặc thay thế âm vị khi nói chuyện.
Dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở người trưởng thành
Vấn đề rối loạn ngôn ngữ ở người lớn thường ít gặp và khó nhận biết hơn so với trẻ nhỏ:
- Hay bồn chồn, lo lắng khi thuyết trình trước đông người, thường xuyên không tự tin trong giao tiếp, e ngại khi bắt đầu câu chuyện với người khác, đặc biệt khi làm việc nhóm.
- Chần chừ, do dự vì gặp khó khăn khi tìm từ ngữ để trả lời cho các câu
- hỏi khó, mang tính phức tạp, dù cho biết và hiểu rõ câu hỏi đấy nên trả lời như thế nào.
- Nói chuyện thường hay bị vấp, không lưu loát, câu chữ không liên tục, rành mạch, dễ làm người nghe khó hiểu trong giao tiếp.
- Không theo kịp nội dung câu chuyện khi trao đổi thông tin hay lắng nghe người khác. Đồng thời cũng hay quên những cuộc đối thoại vừa diễn ra, khả năng ghi nhớ bị hạn chế.
- Áp dụng những câu thành ngữ, tục ngữ, ở các ngữ cảnh không phù hợp.
Thông thường dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở người trưởng thành thường không rõ ràng, cụ thể. Tình trạng bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, nên đôi khi người ta
thường lầm tưởng người bị bệnh này chỉ là người có tính cách trầm lặng, ít nói mà không phát hiện ra căn nguyên bệnh.
Những nguyên nhân gây nên rối loạn ngôn ngữ
Bệnh rối loạn ngôn ngữ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, và để xác
định được nguyên nhân cụ thể là rất khó. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn có thể nêu ra vào nguyên nhân cơ bản sau:
Do di truyền
Sự khác thường trong hệ thống dây thần kinh trung ương, một trong những lý do của rối loạn ngôn ngữ, nhận thức và các vấn đề khác liên quan cũng có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Do dây thanh âm, vòm họng bị tổn thương hoặc có vấn đề gây ảnh hưởng đến việc nói và phát âm.
Xem thêm: Suy giảm trí nhớ người trẻ: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
Do các chấn thương ở não
Các căn bệnh tiềm ẩn ở não như: u não, tai biến, xuất huyết não, chứng suy giảm trí nhớ… đều có thể gây ảnh hưởng đến khu vực não chuyên điều khuyển ngôn ngữ, làm khả năng phát ngôn bị ảnh hưởng. Vùng não phụ trách về nói bị tổn thương, hoặc miệng, dây thanh âm, không thực hiện được chức năng tạo ra từ ngữ mà người bệnh muốn nói.
Xử lý âm thanh bị rối loạn là tình trạng khả năng hiểu tiếng nói, âm thanh từ ngữ bị mất làm người bệnh bị rối loạn ngôn ngữ, ở trẻ em thì sẽ là chậm phát triển ngôn ngữ hơn so với các bạn khác cùng độ tuổi.
Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân có thể gây nên rối loạn ngôn ngữ ở con người ví dụ như người bệnh có vấn đề về tinh thần, tự kỷ, trầm cảm, khiếm thính, rối loạn ngôn ngữ Wernicke…
Do các bệnh về thính giác, các tổn thương ở tai hay bộ phận tiếp nhận âm thanh
Người có vấn đề về thính giác sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu và tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh. Giọng nói của bản thân người bệnh cũng không nắm được chính xác. Từ đó dễ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, không thể bắt chước các từ, điều tiết thanh âm khi nói chuyện cũng khó khăn hơn.
Với trẻ em nếu bị mắc bệnh viêm tai giữa để chuyển biến nặng không chữa trị kịp thời cũng có thể gây nên những hệ lụy về thính giác, sức khỏe sau này, từ đó có thể dẫn đến chứng rối loạn ngôn ngữ.
Rối loạn ngôn ngữ được chia làm nhiều loại
Rối loạn ngôn ngữ Broca
Rối loạn ngôn ngữ Broca hay vùng biểu đạt ngôn ngữ bị tổn thương, người bệnh hiểu được những điều người khác muốn nói, và cũng biết bản thân muốn nói gì, nhưng không diễn đạt hay tìm được từ để nói, nói ấp úng, không lưu loát, thường xuyên lặp lại câu bản thân đã nói hoặc câu nói của người khác. Đây là loại tổn thương gây chứng rối loạn ngôn ngữ hay gặp nhất.
Trong công việc người bệnh thường gặp khó khăn trong thuyết trình hay tương tác với đồng nghiệp, chỉ có thể sử dụng các cụm từ ngắn, đơn giản, đôi khi lặp đi lặp lại.
Rối loạn ngôn ngữ Wernicke
Ngược lại với rối loạn ngôn ngữ Broca thì rối loạn ngôn ngữ Wernicke là chứng rối loạn ngôn ngữ cảm giác do vùng hiểu ngôn ngữ bị tổn thương. Biểu hiện là người bệnh vẫn có thể diễn đạt ý muốn nói một cách trôi chảy, đúng câu từ, ngữ pháp như bình thường. Thế nhưng khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin từ lời người khác, hay chậm hiểu ý người xung quanh nói, từ đó làm theo yêu cầu hoặc trả lời không chính xác với câu hỏi đưa ra.
Những đứa trẻ hay người lớn gặp khó khăn với khả năng tiếp thu ngôn ngữ cũng thường sẽ gặp khó khăn với ngôn ngữ diễn đạt.
Tổn thương ngôn ngữ dẫn chuyền
Là tổn thương đường dẫn truyền giữa vùng hiểu ngôn ngữ và vùng sinh ra ngôn ngữ. Biểu hiện của người bệnh do nguyên nhân này thường nói năng mạch lạc, rõ ràng, lưu loát, mọi việc đều có thể thông hiểu rõ, nắm bắt câu chuyện nhanh nhưng gặp khó khăn trong việc lặp lại, kệ chuyện lại hoặc truyền tải lại nội dung, thường hay phải thay thế từ ngữ, dẫn đến việc trao đổi lại thông tin giữa người với người, giữa các sự việc bị sai lệch.
Tổn thương ngôn ngữ toàn bộ
Mức nặng nhất trong các loại rối loạn ngôn ngữ đó là rối loạn ngôn ngữ toàn bộ. Người bệnh ở mức này khả năng nói hay diễn đạt bị ảnh hưởng trầm trọng, kèm theo đó chức năng ngôn ngữ vận động cũng bị ảnh hưởng theo. Không thể nói hay hiểu để biểu hiện ra được những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, hiểu biết nhận thức kém.
Nguyên nhân gây ra rối loạn ngôn ngữ toàn bộ thường là do bệnh nhồi máu não, và các bệnh khác về não thể nặng gây nên di chứng.
Ảnh hưởng của rối loạn ngôn ngữ đến cuộc sống con người
Sức khỏe thể chất của người bị bệnh này thường không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng về mặt tinh thần lại bị tác động sâu sắc, gây ám ảnh tâm lý và cản trở trong giao tiếp xã hội.
Rối loạn ngôn ngữ khiến chúng ta khó diễn giải những điều muốn nói, những suy nghĩ, cảm nhận một cách chính xác và thuận lợi. Điều này tạo nên rào cản giữa người bị bệnh với những người xung quanh, hạn chế trong việc mở quan hệ, khiến họ trở nên tự ti, trầm lặng, ít nói hơn, làm việc và học tập cũng khó khăn hơn.
Đặc biệt với những trường hợp bệnh nặng, hay quên trước quên sau, khiến cuộc sống người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo âu, trầm cảm, suy nghĩ nhiều… từ đó gây nên các bệnh về tinh thần khác.
Các cách điều trị rối loạn ngôn ngữ
Phương pháp ngôn ngữ trị liệu
Ở trẻ em, phụ thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi, tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà các chuyên gia sẽ đưa ra những biện pháp khác nhau nhằm rèn luyện khả năng ngôn ngữ ở trẻ.
Việc áp dụng ngôn ngữ trị liệu ngày nay thường rất phổ biến ở các bệnh viện hoặc trung tâm chuyên khoa, người bệnh có nhiều chuyển biến tốt hơn, có thể phục hồi một phần hoặc khỏi hoàn toàn, đặc biệt hiệu quả với những trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ sau tai biến.
Rối loạn ngôn ngữ mức độ nhẹ có thể không cần điều trị, người bệnh được hướng dẫn cách vận động cơ mặt, cổ họng, điều tiết thanh âm để có thể diễn giải, thực hành lời muốn nói lưu loát hơn
Phương pháp trị liệu tâm lý
Có thể kết hợp song song với phương pháp ngôn ngữ trị liệu. Trị liệu tâm lý thường áp dụng với những bệnh nhân có nguyên nhân từ vấn đề tâm lý, tổn thương tinh thần. Bên cạnh đó người bị rối loạn ngôn ngữ thường bị tác động xấu đến suy nghĩ, cảm xúc nên việc áp dụng phương pháp này có tính khả thi rất cao.
Bản thân người bệnh khi tâm lý vững vàng, được trị liệu đầy đủ, thì sẽ có kiên trì, mạnh mẽ để vượt qua rào cản của chứng rối loạn ngôn ngữ, tự khắc phục được khả năng giao tiếp của bản thân
Sự hỗ trợ từ gia đình, người thân
Với trẻ em hay người lớn, khi mắc phải căn bệnh này đều cần sự hỗ trợ, giúp đỡ, cảm thông từ những người thân. Gia đình cần tạo sự thoải mái, giúp người bệnh không bị căng thẳng, lo âu…
Kiên nhẫn trong giao tiếp, trao đổi thông tin với người bệnh, giúp họ diễn giải sự việc theo cách dễ dàng thuận lợi nhất. Không bắt bẻ, sửa lỗi câu chữ của người bệnh. Tham khảo lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia để kiểm tra thường xuyên tình trạng sức khỏe và tinh thần người bệnh, từ đấy đưa ra các phương pháp chữa bệnh hợp lý.
Nói tóm lại, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngôn ngữ là phương tiện quan trọng không thể thiếu trong giao tiếp. Do vậy chứng rối loạn ngôn ngữ gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực không đáng có đến tâm sinh lý người bệnh, vì vậy việc nghiên cứu nguyên nhân, dấu hiệu của căn bệnh này để từ đó tìm ra cách điều trị hợp lý là vô cùng cần thiết.