Lễ vu quy là một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong ngày cưới trọng đại của người Việt Nam, hay còn có thể gọi là lễ đưa con gái về nhà chồng. Mỗi nghi lễ đều rất ý nghĩa và thiêng liêng. Trong ngày hôm nay, các bạn hãy cùng TOP1dexuat tìm hiểu: Lễ vu quy là gì? Phân biệt lễ vu quy với lễ thành hôn ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Lễ vu quy là gì?
Trong tiếng Hán “Vu quy” có nghĩa là: con gái về nhà chồng. Lễ vu quy là buổi tiệc cưới sẽ được tổ chức tại nhà gái.
Trong lễ vu quy này thì nhà trai sẽ sang nhà gái, tại đây cô dâu và chú rể sẽ tiến hành thực hiện một số nghi lễ truyền thống như: Dâng hương lên bàn thờ gia tiên để được chứng giám, bái lạy cha mẹ cô dâu để bày tỏ lòng biết ơn công ơn sinh thành dưỡng dục và ra mắt quan khách hai họ nhằm ủng hộ, chúc phúc cho tình yêu đôi lứa.
Mang ý nghĩa trên, chính vì thế mà tên lễ vu quy sẽ chỉ được sử dụng tại gia đình nhà gái với tất cả các hạng mục trang trí từ cổng hoa, phông cưới, biển hiệu cho đến thiệp cưới.
Cần chuẩn bị những gì cho lễ vu quy?
Để cho ngày lễ vu quy được diễn ra thuận lợi, suông sẻ cũng như giúp cho các cô dâu chú rể gặp được nhiều may mắn hơn trong cuộc sống hôn nhân sau này thì lễ vu quy cần được cả gia đình nhà trai và nhà gái chuẩn bị thật tươm tất. Dưới đây là những việc mà nhà trai và nhà gái cần chuẩn bị.
Đối với gia đình nhà trai
Nhà trai cần chuẩn bị đầy đủ các sính lễ cho buổi lễ vu quy như: Tráp xin dâu, nhẫn cưới. Không chỉ thế, trang phục cũng rất quan trọng cần được lịch sự, chỉnh chu nhé.
- Chọn người chủ hôn: Nhà chú rể cần chọn chủ hôn là một người đứng tuổi, am hiểu các nghi thức trong đám cưới. Bên cạnh đó, còn có vai vế cao, được nhiều người coi trọng và là người phải có cách ứng xử thật khéo léo để tiếp chuyện với nhà cô dâu dễ dàng.
- Tráp xin dâu: Tùy mỗi vùng miền mà có thể tráp xin dâu có thể khác nhau về số lượng cũng như vật phẩm bên trong tráp. Tuy nhiên, theo như nghi thức truyền thống thì tráp xin dâu bắt buộc phải có rượu, trầu cau, bánh phu thê, bánh kem. Ngoài ra, còn có thể là các đặc sản vùng miền khác như: Nem, chả, trái cây hay bánh chưng, bánh giầy,… nhằm bày tỏ tấm lòng hiếu khách đối với nhà gái.
- Lựa chọn nhẫn cưới: Thường trước ngày cưới tầm khoảng 4 – 5 tháng, các cặp đôi uyên ương đã bắt đầu tham khảo các mẫu mã, chất liệu. Và tùy thuộc vào ngân sách tài chính cho phép để có thể lựa chọn cho mình cặp nhẫn cưới ưng ý nhất.
- Trang phục cưới: Tùy thuộc vào trang phục mà cô dâu sẽ chọn cho chú rể một bộ áo dài cưới truyền thống hay là một bộ vest tây sang trọng cho phù hợp. Còn với cha mẹ chú rể cũng như họ hàng, nam có thể chọn bộ vest đơn giản còn nữ chọn chiếc áo dài truyền thống sao cho thật lịch sự và chỉnh chu. Và đội bê tráp có thể mặc áo dài hay áo sơ mi trắng với quần âu sao cho phù hợp với chú rể.
Đối với gia đình nhà gái
Do lễ vu quy được tổ chức tại tư gia nữ nên nhà gái cần chuẩn bị lễ hồi môn và rạp cưới. Nghi thức diễn ra trước sự chứng giám của tổ tiên nên bàn thờ cần được lau dọn sạch sẽ, chưng hoa tươi, bánh trái thật trang nghiêm để buổi lễ được suôn sẻ, trọn vẹn.
- Chọn người chủ hôn: Cũng tương tự như nhà trai thì người chủ hôn bên đàng gái cũng phải là người có vai vế, đồng thời có quan hệ thân thiết với gia đình. Không chỉ thế, người chủ hôn còn có khiếu ăn nói, ứng xử và tự tin trước đám đông. Bên cạnh đó, để có thể lựa chọn được người làm chủ hôn tương xứng thì cô dâu cần cung cấp thêm thông tin về người chủ hôn nhà trai nhé.
- Bàn thờ tổ tiên cần được lau dọn: Cô dâu cần lau dọn sạch sẽ bàn thờ tổ tiên ông bà và trang trí cho thật trang nghiêm trước ngày lễ vu quy tổ chức. Với bàn thờ ông bà thì cần chuẩn bị nhan đèn, bát hương, bày các lễ vật như hoa tươi, trái cây. Còn với bàn thờ gia tiên để góp phần trang hoàng nên trang trí thêm câu đối đỏ, phông cưới, tương tự cũng đèn nến, bình hoa, mâm ngũ quả và có thể dán thêm chữ Song Hỷ vào các lễ vật.
- Của hồi môn cho cô dâu: Của hồi môn có thể là những tài sản có giá trị lớn như: Giấy tờ nhà, giấy tờ đất, giấy tờ xe hay cũng có thể là tiền mặt hoặc trang sức bằng vàng, kim cương, hột xoàn,… Của hồi môn này tuỳ thuộc vào điều kiện tài chính của mỗi gia đình nhà gái.
- Trang phục cưới: Đa phần các cô dâu Việt đều sẽ chọn cho mình một bộ áo dài với nét đẹp truyền thống trong ngày cử hành nghi thức lễ. Và một bộ váy cưới hiện đại, tao nhã như trễ vai hay đuôi cá,… tùy vóc dáng và sở thích sẽ được cô dâu lựa chọn để thay đổi khi đi bàn tiệc ra mắt họ hàng, bạn bè. Bên cạnh đó, cô dâu cũng cần chuẩn bị cho ba một bộ vest và mẹ bộ áo dài không kém phần sang trọng. Và đội bê tráp cô dâu có thể thuê váy hay áo dài cách tân cho phù hợp nhé.
- Chuẩn bị rạp cưới: Với rạp cưới nhà gái nên chuẩn bị từ vài tháng trước lễ vu quy. Để có không gian trang trí cũng như thoáng đãng gia đình nhà gái nên chọn loại rạp có kích cỡ lớn, backdrop lớn, bày biện hoa tươi cho thêm phần đẹp mắt. Bên cạnh đó, cũng nên lựa chọn màu sắc rạp sao cho hài hòa và thiết kế ấm cúng nhằm tạo điểm nhấn nhưng lại không kém phần sang trọng.
- Bao lì xì cho đội bê tráp: Để cảm ơn đội bê tráp trong ngày trọng đại cũng như giữ duyên con gái cô dâu cần phải chuẩn bị các bao lì xì để trao cho họ.
Quy trình tổ chức lễ vu quy
Nhà gái sẽ tiến hành dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và chuẩn bị tươm tất mọi thứ để đón tiếp gia đình nhà trai trước ngày diễn ra lễ vu quy.
Có thể tùy theo vùng miền mà sẽ có những phong tục và cách thức thực hiện nghi lễ vu quy ở tư gia nữ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì quy trình tổ chức lễ vu quy thường được diễn ra dưới các hình thức như sau:
- Thay vì đi cùng đoàn thì mẹ của chú rể sẽ xuất phát sang nhà gái trước 10 phút so với đoàn nhà trai.
- Đến nhà gái, mẹ chú rể sẽ tiến vào và thực hiện nghi lễ xin dâu rồi sau đó sẽ thực hiện trao tráp cho mẹ cô dâu và ra về.
- Tiếp theo, mẹ của cô dâu sẽ bắt đầu đem tráp xin dâu lên bàn thờ gia tiên và thắp hương.
- Mẹ của chú rể đã rời khỏi nhà gái thì lúc này đoàn nhà trai bắt đầu tiến vào nhà gái để tiến hành thực hiện các thủ tục đón dâu.
- Vị chủ hôn đại diện cho nhà trai sẽ phát biểu lời mời như giới thiệu bản thân cũng như giới thiệu các thành viên trong đoàn tham dự và tuyên bố lý do của buổi lễ này.
- Kế tiếp, người chủ hôn đại diện cho nhà gái cũng sẽ phát biểu để đáp lời nhà trai và thông báo chấp thuận cho gia đình của nhà trai sang đón cô dâu.
- Tiếp theo, vị chủ hôn đại diện cho nhà gái sẽ tiến hành mời cha mẹ cô dâu và chú rể lên nhà để thực hiện nghi lễ gia tiên rồi mới tiến hành xuống đón cô dâu để ra mắt gia đình hai bên.
- Sau khi cô dâu và chú rể đã làm lễ gia tiên xong sẽ tiếp tục ra mắt và thực hiện nghi lễ mời trà cả hai họ hai bên gia đình.
- Và sau cùng đại diện nhà gái sẽ chúc phúc cũng như thực hiện dặn dò cô dâu và chú rể rồi tiến hành tặng quà hồi môn cho cô dâu trước khi về nhà chồng.
- Cuối cùng đại diện phía gia đình nhà trai sẽ xin phép ra về và mời nhà gái cùng tham dự nghi thức lễ thành hôn được tổ chức tại gia đình nhà trai.
Phân biệt lễ vu quy với lễ thành hôn
Thứ nhất là ý nghĩa
Lễ vu quy: Là nghi lễ đưa con gái về nhà chồng. Danh từ lễ vu quy sẽ được dành riêng cho cô dâu và được sử dụng để trang trí trên cổng chào, phông cưới, biển hiệu treo ở nhà gái. Và trong ngày lễ vu quy này, các cặp đôi uyên ương sẽ thắp hương thành kính lên bàn thờ tổ tiên và bái lạy cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo.
Lễ thành hôn: Là nghi lễ đón nhận cô dâu mới, được tổ chức tại tư gia nam. Tại đây, cô dâu chú rể cũng thực hiện nghi thức thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và ra mắt họ hàng hai bên nhằm thông báo dâu mới. Và cũng tương tự, danh từ lễ thành hôn sẽ được sử dụng để trang trí ở cổng chảo, phông cưới, biển hiệu và thiệp cưới của nhà trai.
Thứ hai là cách sử dụng
Theo ý nghĩa được trình bày ở trên thì khi con gái chuẩn bị về nhà chồng từ “Vu quy” sẽ được sử dụng riêng tại gia đình nhà gái. Và tương tự, gia đình nhà chú rể tổ chức lễ cưới cho con trai và đón dâu về nhà thì sẽ sử dụng riêng từ “Thành hôn”. Cách thể hiện là ở các loại biển hiệu, phông chữ.
Thứ ba là sử dụng ngôn ngữ trên thiệp mời
Ở đây các bạn có 2 cách để gia đình hai bên có thể lựa chọn. Đó là:
- Cách 1: Nhà chú rể sẽ ghi trên thiệp mời của mình là “Lễ thành hôn” và nhà cô dâu sẽ ghi trên thiệp mời là “Lễ vu quy”.
- Cách 2: Có thể để chung “Lễ thành hôn” trên chiếc thiệp mời, tùy vào sự bàn bạc và thỏa thuận của hai gia đình.
Xem thêm: Lễ Cưới là gì? Quy trình tổ chức Lễ Cưới truyền thống người Việt
Với những nội dung mà chúng tôi chia sẻ ở trên, hy vọng chúng sẽ thực sự hữu ích cho bạn đọc, nhất là những cô dâu sắp lên xe hoa về nhà chồng sẽ bớt phần nào những bỡ ngỡ trong quá trình chuẩn bị cho lễ vu quy. Không những thế, các chú rể cũng nên tìm hiểu để chia sẻ cùng cô dâu những công việc cần chuẩn bị để cho ngày trọng đại của đôi lứa được trọn vẹn, suôn sẻ và gặp nhiều may mắn nhé.