Đầu tư vào giáo dục luôn là sự đầu tư hiệu quả và ít tốn kém nhất. Từ những năm 2000 đến nay, gia sư đã trở thành ngành nghề quen thuộc với đông đảo người dạy và người học. Vậy gia sư là gì? Công việc của gia sư dạy kèm thường làm là gì? Đối tượng gia sư nhắm đến là những ai và gia sư làm gì để khẳng định bản thân, đối diện với khó khăn thách thức trong nghề? Hãy để Top1dexuat.com giải đáp mọi câu hỏi ấy về nghề gia sư này.
Gia sư là gì?
Xét trên ngôn ngữ, từ gia sư có nguồn gốc từ chữ Hán Việt, trong đó chữ “gia” có nghĩa là nhà và chữ “sư” mang nghĩa là thầy. Vậy gia sư hiểu một cách đơn giản là thầy/cô dạy tại nhà.
Gia sư, hay còn gọi là giáo viên dạy kèm, là người thực hiện việc dạy, truyền đạt kiến thức tại nhà của đối tượng theo học, theo hình thức dạy kèm tại nhà.
Gia sư có thể là:
- Giáo viên chính thức đang giảng dạy tại trường.
- Sinh viên giỏi đại học, cao học.
- Cử nhân, kỹ sư, chuyên viên trong các lĩnh vực khác nhau.
- Người có chuyên môn, am hiểu về một môn học hoặc lĩnh vực nào đó.
Ngoài ra, bạn có thể giải nghĩa từ “gia sư” trong tiếng Anh là “tutor”, nhưng hàm ý của từ này không đúng hoàn toàn, mà “tutor” được định nghĩa là trợ giảng trong các lớp học, trường đại học hoặc là người hướng dẫn cho một nhóm người.
Gia sư có được xem là một nghề hay không?
Về mặt pháp lý:
- Tại Việt Nam, gia sư không được xem là một nghề chính thức. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, gia sư được xếp vào nhóm “người lao động tự do” và không được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, … như người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
- Tuy nhiên, gia sư vẫn được phép hoạt động và không bị cấm kỵ bởi bất kỳ luật nào.
Về mặt thực tế:
- Gia sư mang lại thu nhập cho nhiều người:
- Có rất nhiều người đang làm gia sư như một nguồn thu nhập chính hoặc thu nhập thêm.
- Thu nhập của gia sư có thể dao động tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm, môn học giảng dạy và địa điểm giảng dạy.
- Gia sư đóng góp cho sự phát triển giáo dục:
- Gia sư giúp học sinh, sinh viên học tập tốt hơn, đạt kết quả cao trong học tập.
- Gia sư góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa.
Do đó, có thể khẳng định rằng gia sư là một công việc, tuy không được xem là một nghề chính thức theo pháp luật.
Công việc của gia sư dạy kèm thường làm là gì?
Chắc chắn là dạy học rồi đúng không nào? Đây chính là công việc chủ yếu mà gia sư phải làm, tuy nhiên không phải đối tượng ở cấp độ nào cũng giảng dạy được. Tùy vào khả năng hiểu biết, lĩnh vực, kinh nghiệm giảng dạy và trình độ chuyên môn mà gia sư có thể lựa chọn đối tượng truyền đạt kiến thức cho phù hợp.
Với nhu cầu phát triển nhanh như hiện nay, nhiều môn học ở các cấp độ đều cần gia sư hỗ trợ, từ cấp bậc tiểu học, THCS cho đến THPT thậm chí cả luyện thi Cao Đẳng, Đại Học. Các môn thiết yếu cần sự hỗ trợ từ gia sư như Toán, Lý, Hóa, Ngữ Văn, tiếng Anh, Ngoại ngữ, Năng Khiếu (đàn, luyện thanh,…).
Ngoài ra gia sư có thể nhận dạy 1 hoặc nhiều môn học cùng lúc tùy theo năng lực. Các công việc thường làm của gia sư dạy kèm như:
- Ôn tập kiến thức đã học trên trường.
- Đào sâu, giải đáp thêm nếu học viên chưa nắm vững kiến thức.
- Hướng dẫn học viên giải bài tập trong sách giáo khoa, bài tập về nhà, bài tập nâng cao theo yêu cầu.
- Ra bài mới giải để củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng giải bài tập, …
- Ở các môn năng khiếu, gia sư sẽ là người hướng dẫn học viên làm quen – học – thực hành thành thạo từ cơ bản đến nâng cao, nắm vững các kỹ thuật khó của lĩnh vực mình đang phụ trách.
Đặc biệt, ở giai đoạn ôn tập thi cử, vai trò của gia sư vô cùng quan trọng chính là cùng học viên ôn lại hệ thống kiến thức của học kỳ, ghi chú những điều cần nhớ – kiến thức quan trọng, lên kế hoạch ôn luyện có hệ thống để đảm bảo đạt kết quả cao vào cuối kỳ.
Mức lương gia sư bao nhiêu?
Với thời lượng giảng dạy khoảng 2 – 3 buổi/ tuần và 1.5 – 2h/ buổi, mức lương của gia sư sẽ chênh lệch tùy vào thỏa thuận của người học và người dạy. Nếu bạn đang tìm kiếm gia sư cho riêng mình, hãy liên hệ ngay với dịch vụ gia sư tại nhà ở các trung tâm uy tín để tham khảo.
Các việc làm cần tránh khi chọn nghề gia sư
Với những bạn lựa chọn gia sư làm ngành nghề chính nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, thì đây là công việc cần phải làm nếu quyết định nhận lớp dạy tại nhà:
Lựa chọn đối tượng giảng dạy phù hợp
Trường hợp là các em học sinh tiểu học, tính tự giác là điều rất ít thấy ở các em, thay vào đó các em mải chơi, không nghe lời và thường không để tâm đến kết quả học tập cao hay thấp.
Là người gia sư ở cấp bậc tiểu học, bạn cần có tính kiên nhẫn và bình tĩnh cực cao. Không được nóng nảy, yêu mến trẻ con, ân cần chỉ bảo,… nếu không có các đức tính này thì bạn không nên nhận dạy.
Vậy còn các em cấp 2, cấp 3 thì sao? Ở lứa tuổi này, các em đã có tính tự giác và định hình được môn học mình yêu thích như Toán, Lý, Hóa, Anh,… thì cấp bậc này chính là điều kiện hoàn hảo để rèn luyện, nâng cao kiến thức của bạn. Nếu bạn có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức, bạn có thể nhận dạy kèm nhiều môn học cùng lúc, bật mí cho bạn là mức lương nhận được sẽ rất hậu hĩnh đấy!
Hoặc trong trường hợp bạn tự tin hoàn toàn vào năng lực, kiến thức của bản thân, sẵn sàng truyền dạy phương pháp học độc quyền hãy nhận dạy kèm các lớp luyện thi tốt nghiệp, lớp luyện thi Cao Đẳng, Đại học cấp tốc. Ở cấp bậc này, mức lương của bạn sẽ khá cao và học viên là người đã đủ nhận thức và có mục tiêu phấn đấu rõ ràng.
Soạn giáo án trước khi dạy kèm
Dạy kèm thôi mà, có cần chuẩn bị giáo án như học truyền thống không? Chắc chắn là có đấy, bạn nên chuẩn bị sẽ tốt hơn, vì việc lên kế hoạch chi tiết sẽ giúp bạn truyền đạt thông tin rõ ràng, không bị lúng túng khi giảng dạy.
Việc soạn giáo án rất quan trọng trong những buổi dạy đầu tiên, vì đây là khoảng thời gian mà cả học viên và phụ huynh đánh giá kỹ năng, năng lực của gia sư.
Muốn giáo án của bạn rõ ràng hãy kiểm tra năng lực học viên ở một vài buổi học đầu tiên, từ đó giáo án bạn soạn thảo mới đúng lộ trình và kiến thức cần truyền đạt.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài tập rèn luyện, luyện thi từng năm ở trên mạng Internet, sắp xếp các bài vừa sức và nâng dần độ khó. Sau này khi các em đã hiểu cặn kẽ, nắm chắc kiến thức thì nâng cấp độ khó bài tập lên tầm cao mới.
Đôi lúc bạn có thể dành 1 – 2 buổi trong tháng để tạo những buổi kiểm tra ngắn khoảng 15 – 30 phút giúp các em ôn tập lại kiến thức cũng như tăng độ tự tin hơn trong thi cử. Chỉ cần bỏ một chút công sức nhưng hiệu quả mang lại cực cao đấy, bạn sẽ được quý phụ huynh đánh giá tốt hơn.
Một lưu ý nhỏ dành cho những bạn mới tiếp xúc với nghề gia sư:
- Nếu bạn suy nghĩ mình là sinh viên giỏi và truyền đạt kiến thức phổ thông đơn giản như móng tay thì bạn đã sai lầm rồi. Có thể kiến thức không khó với bạn, nhưng khi truyền đạt cho các em chưa chắc đã dễ hiểu và dễ tiếp thu.
- Thầy cô lâu năm trong nghề luôn khuyến khích các bạn mới luyện tập thói quen chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp để mang lại hiệu quả nhanh và tốt hơn.
Tác phong gia sư dạy kèm tại nhà
Để tạo ấn tượng tốt cho phụ huynh và học sinh tại buổi học đầu tiên và các buổi học sau, bạn nên:
- Đến nơi dạy đúng giờ như đã hẹn với phụ huynh học viên.
- Hãy tới sớm hơn 10 – 15 phút để tìm nhà hoặc trò chuyện với học viên để hiểu thêm về tính cách, năng lực và bài học trên lớp.
- Hạn chế việc đi trễ vì dễ làm mất ấn tượng tốt trong mắt phụ huynh.
- Luôn ăn mặc lịch sự, gọn gàng, theo đúng tác phong của nghề giáo.
- Hạn chế ăn mặc phản cảm, hở hang với gia sư nữ và lôi thôi – lếch thếch với gia sư nam.
- Nói chuyện với phong thái tự tin, rõ ràng, không rụt rè.
Lựa chọn phương án dạy học phù hợp
Mỗi học sinh đều có khả năng tập trung và tiếp thu khác nhau, vì vậy phương pháp giảng dạy có thể phù hợp với em này nhưng không phù hợp với em khác, bạn cần xây dựng giáo án theo năng lực và tính cách của từng em.
Những em học lực khá, tiếp thu nhanh, hiểu bài chỉ sau vài hướng dẫn, gợi ý thì bạn nên rèn luyện các em bằng bài tập cơ bản, nâng cao. Tuy các em học hỏi nhanh nhưng thường ẩu và sai, cần kiểm tra lại thật kỹ để chỉnh sửa.
Với những em chậm tiếp thu, bạn cần kiên nhẫn, giảng giải nhiều lần, sử dụng nhiều ví dụ khác nhau. Tuy vất vả nhưng đừng trách mắng vì dễ làm mất hứng học tập của các em, và phụ huynh cũng đánh giá bạn là người thiếu nhiệt tình, không tận tâm.
Trong trường hợp các em có bệnh bẩm sinh, bạn phải là người thật sự bình tĩnh vì các em thường học trước quên sau, khó ghi nhớ kiến thức. Khi gặp trường hợp này hãy ân cần giảng dạy lại kiến thức trên trường lớp, hướng dẫn giải bài tập chi tiết và hỗ trợ các em làm với bài tập tương tự. Ôn luyện thường xuyên cho các em để tạo phản xạ vô điều kiện, mưa dầm thấm lâu.
Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng:
- Bám sát chương trình học của các em trên trường.
- Giảng dạy đúng trọng tâm, súc tích, không giảng lý thuyết lan man khó hiểu.
- Thực hành bài tập thường xuyên sau mỗi bài học, vì bạn biết đấy “Học đi đôi với hành”, nếu không thực hành rất khó để nắm rõ.
- Ôn lại kiến thức cũ sau một khoảng thời gian học tập.
- Thúc đẩy, tạo tính tự lập cho các em.
Nếu bạn có đầy đủ bản lĩnh, sự tự tin, kiến thức, phương pháp giảng dạy hợp lý, học sinh tiến bộ và đạt kết quả cao, bạn sẽ thành công và được coi trọng.
Gia sư dạy kèm nên cẩn trọng
Làm gia sư có an toàn? Không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra ngay cả với nghề giáo, nghề trồng người đáng quý này. Đặc biệt ở các bạn nữ, trong quá trình lựa chọn lớp dạy hãy:
- Tìm cho mình những lớp dạy kèm gần chỗ ở/ chỗ trọ.
- Không có gì là quá đáng khi nâng cao đề phòng với phụ huynh quan tâm gia sư quá mức cần thiết.
- Linh động thời gian dạy học, nhưng hạn chế về quá khuya.
- Nếu bạn có người thân, bạn thân hãy cùng họ tới lớp ở buổi dạy đầu tiên.
- Thực sự thận trọng khi nhận những lớp dạy ở xa, không qua trung tâm gia sư.
Để an toàn cho bản thân, hãy nhận lớp dạy thêm tại các trung tâm gia sư uy tín trên địa bàn. Tại trung tâm, hầu như không có rủi ro nguy hiểm đến tính mạng bản thân, dù cho phụ huynh khó tính, học sinh bướng bỉnh, phá phách, học lực yếu, trung bình,… thì mức độ rủi ro cao rất ít khi xảy ra.
Những việc gia sư không nên thực hiện
- Đầu tiên và tối kỵ nhất mà bạn cần né tránh khi nhận lớp dạy chính là đặt câu hỏi ngược lại cho phụ huynh và học viên, chẳng hạn như: “Tôi phải dạy cho bé như thế nào? Tôi nên dạy từ đầu hay dạy tiếp chương trình trên lớp?…”
- Hạn chế làm việc riêng trong lúc dạy (sử dụng điện thoại lướt web, nhắn tin tám chuyện, gọi điện,…).
- Không đi trễ, về sớm.
- Không nên đổi lịch dạy, nghỉ dạy thường xuyên.
>>> Có thể bạn quan tâm:
Có dễ tìm việc khi theo nghề gia sư?
Tìm việc dễ hay khó còn tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, năng lực và môn học bạn giảng dạy. Ngoài ra, độ khó khi tìm việc còn phụ thuộc vào khả năng giao tiếp ngoài xã hội, các mối quan hệ hiện có và khả năng linh động tìm việc làm.
Bạn có thể tham khảo các cách sau để tìm lớp dạy kèm tại nhà:
- Liên hệ với trung tâm gia sư, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để đăng ký tìm lớp, thông thường phí nhận lớp gia sư sẽ rơi vào 20% – 40%/ tháng lương đầu tiên.
- Tham gia hội nhóm gia sư trên mạng xã hội, diễn đàn giáo dục,… Với cách làm này, bạn không mất phí nhưng xác suất và thời gian tìm kiếm lớp dạy ưng ý không cao.
- Hãy tận dụng mọi mối quan hệ xung quanh, nhờ người thân, bạn bè giới thiệu.
Hãy luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình, nghiên cứu sâu hơn trong từng môn học, hỗ trợ người học tiến bộ, đến lúc đó bạn sẽ bất ngờ vì những gì mình đã trao đi và mọi thứ sẽ ập đến với bạn, lương thưởng, độ nổi tiếng và niềm tin mà quý phụ huynh muốn trao đến bạn. Chúc bạn thành công trên con đường gia sư chuyên nghiệp của mình.