Khi xây dựng một ngôi nhà thì việc thông gió tự nhiên luôn là mối quan tâm của hầu hết các gia chủ. Nhất là các ngôi nhà phố có diện tích chật hẹp giữa sự đông đúc, ngột ngạt nơi phố thị thì không thể tránh khỏi tình trạng bí bách, thiếu gió, thiếu nắng. Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng Top1dexuat.com tìm hiểu về thông gió tự nhiên là gì? Giải pháp thông gió cho nhà phố nhé.
Thông gió tự nhiên là gì?
Với nhà ở, thông gió tự nhiên được hiểu một cách đơn giản là sự điều hướng không khí có chủ đích, cụ thể ở đây là gió tự nhiên xung quanh vào bên trong khoảng không gian của ngôi nhà. Với mục đích là đem lại cho ngôi nhà luồng gió thoáng mát và ánh sáng tự nhiên nhằm để kiểm soát chất lượng không khí bằng việc pha loãng và thay thế luồng không khí ngột ngạt hay bị ô nhiễm trong nhà.
Các phương pháp thông gió tự nhiên cho nhà phố
Hiện nay, có hai phương pháp thông gió tự nhiên chính được các gia chủ sử dụng phổ biến, đó là: phương pháp thông gió tự nhiên và phương pháp thông gió cưỡng bức.
Phương pháp thông gió tự nhiên
Thông gió tự nhiên được xem là phương pháp điều hướng luồng không khí lưu chuyển từ bên ngoài vào không gian bên trong ngôi nhà bạn. Với phương pháp này thì hoàn toàn không sử dụng các thiết bị cơ khí (quạt gió, máy lạnh…) mà chúng được vận hành một cách tự nhiên.
Để thông gió tự nhiên cho ngôi nhà mình thì các gia chủ thường lựa chọn giải pháp là bố trí giếng trời hoặc cửa sổ. Và có hai dạng thông gió tự nhiên là: thông gió từ áp lực nhiệt, thông gió từ áp lực gió.
Phương pháp thông gió cưỡng bức
Thông gió cưỡng bức là phương pháp mà trong quá trình thông gió không vận hành từ tự nhiên mà ở đây gia chủ sử dụng các thiết bị cơ khí nặng, cụ thể là: máy quạt, máy lạnh… Và với phương pháp này thì khá tốn kém chi phí năng lượng.
Một số giải pháp thông gió tự nhiên cho nhà phố
Ngày nay, ở các thành phố lớn khi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ khiến cho diện tích đất xây nhà ở càng bị thu hẹp. Do đó kiểu nhà phố thường sẽ có mặt tiền hạn chế và chiều sâu cũng không nhiều, chủ yếu là xây lên cao tầng. Chính vì vậy mà ngôi nhà khá bí bách, ọp ẹp nên thông gió tự nhiên là vấn đề giữ vai trò rất quan trọng.
Khi thiết kế có một số gia chủ không quan tâm đến việc thông gió cho ngôi nhà. Cho đến khi có sự trải nghiệm thực tế mới cảm thấy hối tiếc và hiểu được tầm quan trọng của việc thông gió tự nhiên cho nhà phố.
Sự bí bách, ngột ngạt hay thậm chí ngôi nhà bạn với 3 mặt bị nhà hàng xóm vây kín. Đi làm về mệt mỏi mà về nhà lại thiếu sự thông thoáng phải sử dụng điều hòa hay máy quạt cả ngày không những ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình mà còn tốn tiền điện.
Vì thế mà giải pháp thông gió tự nhiên cho nhà phố ngày càng được khá nhiều gia chủ quan tâm và lựa chọn. Để ngôi nhà trở nên thông thoáng, đón luồng không khí trong lành, mát mẻ tốt cho sức khỏe mà lại tiết kiệm điện hiệu quả dưới đây là một số giải pháp thông gió cho nhà phố bạn đọc cùng tham khảo.
Thứ nhất là giải pháp thiết kế cửa hợp lý
Ngôi nhà bạn có thông thoáng hay không phụ thuộc đầu tiên là cửa. Bởi cửa là nơi giúp trao đổi, lưu thông luồng không khí bên trong nhà với bên ngoài trời nên các bạn cần xem xét thiết kế và lựa chọn vị trí cho thích hợp.
Để luồng không khí luân chuyển và tuần hoàn tốt nhất, thông thường vị trí của cửa đón gió và cửa thoát gió sẽ không bố trí nằm đối diện mà sẽ nằm lệch nhau. Cửa đón gió cần được bố trí quay về hướng đầu gió, chúng thường được thiết kế rộng nhưng thấp gần với chân tường để có thể hút tối đa luồng gió vào trong nhà.
Còn cửa thoát gió cần được thiết kế ở vị trí cao hơn cửa đón gió và gia chủ có thể thiết kế chia thành nhiều cửa nhỏ nhằm đẩy luồng không khí tụ cũ đi ra bên ngoài nhà. Và với những nhà có diện tích hẹp thì bạn nên thiết kế thêm cửa thoát gió ở phía sau căn nhà.
Một lưu ý nhỏ, để không xảy ra tình trạng gió quẩn, khó lưu thông các bạn cần tránh thiết kế cửa đón gió và cửa thoát gió cùng phía.
Nên bố trí thêm các cửa sổ và cửa ra vào lớn một cách hợp lý mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cho ngôi nhà và cần thường xuyên mở cửa để gió được lưu thông giúp thoáng đãng.
Với kiểu nhà phố, nhà nằm san sát nhau nên có thể lưu thông gió tốt các bạn nên chừa một khoảng diện tích nhỏ tầm 60cm ở phía sau để mở cửa thoát gió ra bên ngoài.
Thứ hai là giải pháp thiết kế giếng trời
Để nhà phố được thông thoáng thì việc lựa chọn thiết kế giếng trời là một giải pháp khá lý tưởng. Giếng trời có cấu trúc như một ống thông gió, nó không những có công dụng lấy gió mát làm cho ngôi nhà bạn thoáng đãng mà còn hứng sáng.
Tùy thuộc vào chiều sâu của ngôi nhà và mong muốn mà bạn có thể thiết kế 1 – 2 giếng trời. Thường với nhà phố thì có chiều sâu vừa phải nên các bạn chỉ cần bố trí một giếng trời là đủ.
Với hệ thống các cửa chính và cửa sổ trong nhà giếng trời kết hợp tạo thành đường dẫn không khí giúp đẩy luồng khí nóng ở tầng trệt thoát lên tầng máu và đối lưu để cung cấp luồng khí tươi tự nhiên vào bên trong ngôi nhà. Tại giếng trời, quả cầu thông gió thường được gia chủ lắp đặt để tăng hiệu quả đối lưu gió vào nhà.
Xem thêm: Giếng trời là gì? Cấu tạo, công dụng, cách làm giếng trời
Phần mái của giếng trời thường được lợp bằng tấm lấy sáng hay kính cường lực giúp hứng được nguồn ánh sáng tự nhiên vào nhà. Nó được xem như một cửa sổ được bố trí trên mái nhà. Tuy nhiên, vào mùa mưa để tránh đi tình trạng bị hắt nước mưa thì các bạn cần xem xét và tính toán kỹ lưỡng phần lợp mái che.
Bên cạnh, việc lưu thông gió và đón ánh sáng cho toàn bộ ngôi nhà thì để tăng tính thẩm mỹ cũng như tạo không gian xanh, tươi mát cho ngôi nhà giữa phố thị. Dưới chân khu vực giếng trời, thường là chân cầu thang hay trung tâm cũng có thể là phía sau nhà tùy vào diện tích ngôi nhà mà các gia chủ có thể tạo khoảng sân để bài trí tiểu cảnh hay hòn non bộ, bể cá… để thưởng thức trà. Và nếu có nhu cầu cũng nên thiết kế liên kết tạo thành khu giải trí, vui chơi cho trẻ để căn nhà thêm phần sinh động.
Thứ ba là giải pháp kết nối mở thông giữa các phòng
Với kiểu nhà phố mà chúng ta thiết kế quá nhiều không gian chức năng, xây tường kín bao phủ xung quanh trong khi diện tích bề ngang hạn hẹp thì không khí ở từng phòng khó mà có thể lưu thông với nhau.
Vì vậy, để các phòng chức năng trong nhà có thể thông khí được với nhau chúng ta nên thiết kế kết nối mở hay sử dụng các vách ngăn hở hoặc bình phong, như thế dòng khí sẽ lưu thông được tốt hơn.
Bên cạnh đó, ở các phòng bạn cũng nên mở thêm cửa nhằm tạo thành trục lưu thông để từ phòng này sang phòng khác không khí được xuyên suốt và thông thoáng hơn.
Thứ tư là giải pháp mở cửa sổ đón gió
Cửa sổ là nơi vừa có chức năng đón gió cũng như thoát gió giúp cân đối, điều hòa lượng không khí trong nhà bạn luôn trong lành và mát mẻ, dễ chịu. Nó cũng chính là nơi kết nối trong nhà và ngoài trời.
Chính vì vậy, khi trời nắng nóng bạn đừng vội đóng kín cửa mà hãy mở cửa để đón luồng gió tự nhiên cho nhà bạn thêm trong lành và không ngột ngạt. Mở cửa là cách giúp tạo các trục luân chuyển và lưu thông luồng khí vào và luồng khí ra giữa các khu vực trong nhà. Chính sự dịch chuyển ấy giúp không gian thoáng đãng, bớt ngột ngạt.
Thứ năm là giải pháp sử dụng ống thông gió
Một trong những giải pháp thông gió giúp tiết kiệm chi phí hiệu quả đó là lắp đặt ống thông gió trên mái. Luồng khi vào và ra được lưu thông, luân chuyển khá dễ dàng nhờ sử dụng ống thông gió này.
Khi nhà có ít cửa sổ mà gia chủ sử dụng ống thông gió sẽ giúp giảm nhiệt độ và áp suất trong nhà cũng như thay đổi không khí bí bách, đem lại sự thông thoáng, êm dịu và dễ chịu.
Bên cạnh đó, để lấy gió hiệu quả thì trên các bức tường chúng ta có thể tạo các ô thông gió và cần hạn chế bày biện nội thất trang trí quá nhiều để gió dễ dàng lưu thông vào các phòng.
Thứ sáu là giải pháp lựa chọn vật liệu hiện đại
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại vật liệu hiện đại được chọn. Nhưng với không gian sống ngày càng hiện đại thì kính xuất hiện ngày càng phổ biến. Và vách ngăn tường bí bách đã dần được thay thế bằng kính để đón nguồn sáng tự nhiên.
Ngoài ra, một loại vật liệu hiện đại cũng được dùng thay thế cho vách ngăn, tường là hệ lam. Nó có họa tiết mềm mại, sinh động và khá bắt mắt. Với các hệ lam hở không những giúp ngôi nhà đón gió thoáng mát mà còn trông sáng sủa hơn. Và hệ lam với ngôn ngữ cá tính, riêng biệt góp phần làm cho ngôi nhà thêm phần ấn tượng, độc đáo.
Bên cạnh đó, để giảm bớt đi sự ngột ngạt, bí bách trong không gian của nhà phố thì lựa chọn gạch bông gió hay gạch ô thoáng cũng vô cùng hiệu quả. Việc sử dụng hai loại gạch này, vừa mang tính thẩm mỹ cao cho căn nhà bạn mà lại khá thân thiện với môi trường. Nó thường được dùng làm vách ngăn để phân chia các phòng và áp dụng cho khu vực mặt tiền nhằm đem lại sự thoáng đãng, mát mẻ, sáng sửa và khá tiết kiệm điện năng.
Qua nội dung bài viết này, chúng tôi hy vọng với những kiến thức về thông gió tự nhiên cũng như một số các giải pháp thông gió cho nhà phố các bạn có thể ứng dụng một cách hiệu quả để ngôi nhà mình được thoáng mát, dễ chịu, giảm bớt đi không khí ngột ngạt và bí bách. Chúc ngôi nhà bạn có được không gian sống như mong đợi.