Được biết đến là ông Bầu Hiển nổi tiếng trong giới bóng đá. Nhưng ít ai biết rằng, Đỗ Quang Hiển là một danh nhân thành công, sở hữu khối tài sản tỷ đô và đế chế kinh doanh cực khủng. Cùng TOP1dexuat tìm hiểu tất tần tật về ông Bầu Hiển nổi tiếng trong bài viết dưới đây.
Đỗ Quang Hiển là ai? Chân dung ông Bầu nặng lòng với bóng đá Việt
Thuở hàn vi
Đỗ Quang Hiển sinh ngày 29/10/1962 tại Hà Nội. Là một cậu học trò rất yêu thích, đam mê và học giỏi các môn về Khoa học tự nhiên, tìm tòi và nghiên cứu về các định luật, nguyên lý trên thế giới,… Ông chăm chỉ đến mức dành cả ngày trời, chỉ để mày mò khối kiến thức nhân loại trong thư viện trường học.
Sau khoảng thời gian “chong đèn chóng sách”, Đỗ Quang Hiển đã trở thành một cậu sinh viên khoa Vật Lý (Đại Học Tổng Hợp).
Cơ duyên sau ra trường
Vào năm 1984 – 1987, Đỗ Quang Hiển tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp chuyên ngành Vật Lý vô tuyến, và chọn “Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình” làm bến đỗ đầu tiên trên con đường sự nghiệp (Đài Phát Thanh Hà Nội).
Ông Bầu Hiển chia sẻ: “Lúc ban đầu vào làm, mình gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối diện với công việc thực tế. Vì học chỉ là học trên sách vở, biết sách vở, đâu có nghĩ gì nhiều đến va vấp trong xã hội.
Thế nhưng, cuộc sống đâu đơn giản đến vậy. Đâu chỉ đi làm là niềm vui, là thấy tạo được giá trị, thấy cuộc sống có ý nghĩa. Mình đi làm chỉ nhận được đồng lương ít ỏi, trong khi gia đình còn biết bao nhiêu thứ phải lo, cha mẹ vẫn phải tần tảo lo cóp từng đồng lo lắng cho gia đình.”
Sau khi vào làm việc tại “Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình” được một thời gian, công ty đã có những biến chuyển tốt hơn khi sát nhập vào “Công ty điện tử Hanel”. Lúc này, Đỗ Quang Hiển nhận thấy cơ hội đã đến và đây chính là nơi để chàng kỹ sư trẻ khẳng định tài năng.
Nhưng chỉ một thời gian không lâu sau, Đỗ Quang Hiển lại đưa ra một quyết định mới: “Gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia”, và ước mơ miệt mài sách vở thuở đi học lại ùa về. Ông tự nhủ rằng tại Viện nghiên cứu này, sẽ cho ra nhiều ấn phẩm mang tầm cỡ quốc gia và những kiến thức thu lượm, tích lũy sau năm tháng đã có đất “dụng võ”.
Một cái duyên đến bất ngờ khi Đỗ Quang Hiển được học tập và trở thành nghiên cứu sinh tại Nhật. Tại đất nước hoa anh đào, Đỗ Quang Hiển đã có cơ hội làm việc tại các tập đoàn nổi tiếng như Mitsubishi, Panasonic,…
Sau này, ông biết được các tập đoàn này đang tìm cách mở rộng thị trường, đầu tư làm việc tại Việt Nam, và tìm cách phân phối hàng điện tử gia dụng như tủ lạnh, tivi, máy sấy tóc,…
Nhận thấy cơ hội đã đến, ông không ngần ngại rời bỏ công việc làm một cán bộ Khoa học Nhà Nước (năm 1993) với vai trò là kỹ sư vật lý Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc Gia, để ra làm ăn riêng.
Gầy dựng cơ nghiệp cùng T&T
Khi vừa rời bỏ sự nghiệp như mơ mà ai cũng mong ước, Đỗ Quang Hiển đã thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương Mại T&T. Mục tiêu T&T hướng đến khi đó là các kinh doanh các dòng sản phẩm điện lạnh, điện tử, gia dụng, thiết bị văn phòng/ viễn thông,… và hợp tác cùng các đại lý độc quyền tại Nhật Bản.
Những người từng làm ăn chung với Đỗ Quang Hiển kể lại, trong giai đoạn đầu buôn hàng điện tử, điện lạnh trên con phố Hai Bà Trưng, ông là một người linh hoạt, nhanh nhạy, khi buôn bán sản phẩm điện tử từ Panasonic, National. Thời gian rảnh còn lại, ông dành để tạo mối quan hệ như chơi cờ, uống bia hơi,…
Nhờ đó mà trong 5 năm đầu tiên hình thành, công việc kinh doanh của T&T tăng nhanh chóng mặt, tăng như diều gặp gió. Các sản phẩm ông cung cấp được xếp vào hàng bán chạy trên thị trường, mang đến cho T&T doanh thu cao, và thị phần tiêu thụ không ngừng mở rộng.
Sóng gió ập đến, nợ như chúa chổm
Quả thật, ông như đi trong mơ khi đạt được những kết quả này sau những thời gian miệt mài làm việc. Thừa thắng xông lên, ông Hiển đã mạnh dạn đặt nhiều hàng hơn và đưa về bảo quản trong kho.
Thế nhưng thương vụ tưởng chừng như ăn chắc này, lại có sự góp mặt của hàng lậu. Khiến cho Đỗ Quang Hiển và T&T tổn thất nặng nề. Đây là trường hợp của Công ty Tân Trường Sanh khi phối hợp với các cán bộ hải quan tuồn hàng lậu điện tử, điện lạnh,… vào thị trường Việt Nam, gây thất thu khoảng 1 tỷ đồng thời bấy giờ (năm 1998).
Trong khi đó, T&T lại nhập khẩu chính ngạch, đóng thuế đầy đủ lên đến 60%, nên khó để cạnh tranh với các sản phẩm này. Từ đó T&T nói riêng, và toàn thị trường điện tử Việt Nam bị khuynh đảo, làm ăn sa sút nghiêm trọng, không bán được hàng.
Mỗi khi nhắc đến nốt trầm này trong sự nghiệp. Ông Đỗ Quang Hiển không ngần ngại chia sẻ những cảm xúc chân thật nhất:
“Lúc đó ai cũng nghĩ T&T thành công lắm rồi. Nhưng chỉ có những ai tồn tại trong thị trường điện tử, điện lạnh mới thấy hết được lĩnh vực kinh doanh này tràn đầy rủi ro. Tôi cũng có những cảm giác mệt mỏi, chán nản khi thấy cảnh hàng hóa chồng chất, hàng lậu thì ngày một tràn lan, nợ ngân hàng cũng không ngừng tăng lên.
Nếu lúc đó nói T&T phá sản thì chưa đến vậy, nhưng trong tình thế đó cũng gần như rơi vào thế bế tắc. Cũng may là cơ quan Pháp Luật đã nhanh chóng vào cuộc và triệt phá được đường dây nhập lậu này.”
Lúc đó, số nợ của T&T đã chạm mức 40 tỷ đồng (bao gồm 7 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu – 30 tỷ đồng nằm vất vưởng trong kho). Ngân hàng thì giục nợ, cơ quan thuế thì truy thu, gần như mọi hố đen tài chính đều tập trung vào T&T và Đỗ Quang Hiển.
Đây cũng là lúc ông nhận ra rằng, xung quanh mình chẳng có một ai có thể chia sẻ cảm giác bất lực, chẳng ai gánh được món nợ hay chung tay với ông vượt qua giai đoạn khó khăn. Và nhiều tờ báo đã nêu tên ông lên trang nhất với biệt danh “chúa chổm”.
Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, Hải Quan và cơ quan Thuế đã xác nhận tận kho T&T là nguồn nợ thuế đến từ hàng tồn kho, mọi hóa đơn chứng từ đều có đầy đủ, thực hiện đúng pháp lý nhà nước. Nên T&T nợ thuế vì chưa bán được hàng, chứ không có điều gì mờ ám phía sau.
Cũng trong chính sự kiện này, ông Hiển đã nói với mọi người rằng: “Tôi là kẻ thất bại, mọi quyết định của tôi hãy để tôi gánh chịu. Tôi đã quyết định sai và tôi sẽ đương đầu với mọi khó khăn, trách nhiệm.” Bên cạnh đó, ông Hiển cũng đưa ra quyết định khó khăn nhất khi “giải phóng” nhân viên giỏi sang đơn vị khác, để họ có cơ hội thăng tiến, không vì mình mà đánh mất sự nghiệp.
Đâu đó trong số những nhân viên này, vẫn có người tin tưởng và ở lại cùng ông, động viên và gầy dựng. Ông hứa: “Tôi sẽ mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân viên của tôi và gia đình họ. Những người luôn bên cạnh tôi trong những khoảng đen tối nhất”.
Và lời hứa của ông đã giữ đúng giá trị khi ông lăn lộn, cùng bán hàng, chào mời sản phẩm trong hơn 1 năm. Vậy là toàn bộ nguồn vốn chôn chân trước đó đã có lại, lượng hàng tồn kho được giải phóng, T&T nhanh chóng nắm lại thị phần trong lĩnh vực điện lạnh, điện tử.
Tuy chỉ mới vực dậy, nhưng khủng hoảng còn kéo dài thêm 3 năm. Ông Hiển đã không ngần ngại bôn ba khắp nơi, chạy đôn chạy đáo, tìm cách giải quyết tất cả hàng tồn kho để trả nợ toàn bộ thuế, rồi chuyển sang định hướng kinh doanh lĩnh vực mới.
Qua dần, khó khăn cũng nằm lại phía sau, ông Hiển – T&T và tất cả nhân viên đã vượt qua, mở ra một cơ hội làm mới.
Sau tất cả ông mới thấm thía được câu “nỗi cơ cực của kẻ bị thúc nợ”. Và cũng trong giai đoạn khó khăn này, ông đã không lựa chọn con đường dễ dàng mà vẫn hết mình vì T&T và nhân viên. Luôn suy nghĩ thấu đáo cho nhân viên của mình.
Ông cũng ngầm hiểu ra rằng, chỉ kinh doanh thương mại, làm đại lý phân phối cho các sản phẩm thương hiệu nước ngoài sẽ không mang đến giá trị nào cho đất nước, dân tộc. Và cũng không tạo được giá trị của riêng ông và T&T.
Vậy bài toán đặt ra cho ông Hiển ngay lúc này là làm sao gia nhập vào một thị trường mới, phù hợp với nhu cầu và mang đến giá trị nhiều hơn?”
Xe máy bùng nổ, tạo tiếng vang lớn trên thị trường
Kể từ năm 1998, ông Hiển chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp linh kiện xe máy. Đây chính là lời giải cho bài toán gia nhập thị trường như trên, có rất ít doanh nghiệp tham gia vì xe máy là tài sản mơ ước của người tiêu dùng Việt Nam.
Đây có thể coi là một suy nghĩ táo bạo, một quyết định lịch sử tại thời điểm này, cũng như dự báo cho một thị trường tiềm năng bị dồn nén và sắp sửa bung mình trỗi dậy mạnh mẽ. Thế nhưng, một lần nữa thị trường lại vả một cú tát vào mặt ông Hiển, khi tạo ra “cơn sốt” và có hơn 60 doanh nghiệp tham gia vào mảng lắp ráp xe máy.
Một cái bánh lớn độc chiếm, giờ đây chỉ còn vỏn vẹn vài miếng bánh nhỏ. Cạnh tranh ở phố thị đã khó, về tỉnh lẻ cũng chẳng ra gì. Hàng sản xuất tồn đọng, trong khi tiền lương nhân công, khấu hao, chi phí cho nguyên vật liệu nhập khẩu vẫn tiếp tục duy trì.
Mệt mỏi, thất vọng, buồn bã, chán nản, ông Hiển đã suy nghĩ cần phải đóng cửa dây chuyền lắp ráp. Nhưng trong những suy nghĩ tiêu cực này, ông Hiển lại thể hiện tính cách không khuất phục của mình khi phải cứu rỗi cho bằng được những nguồn tài sản mình đã đầu tư.
Lục lọi ký ức, rà sát thông tin từ những thất bại trong quá khứ, ông Hiển thấy rõ sự bất ổn trong dây chuyền lắp ráp. Khi chỉ chăm chăm phát triển thương mại (bán hàng mà không sản xuất), chỉ có bị động, chấp nhận nguyên liệu đầu vào cao mà chẳng thay đổi được gì.
Từ những suy nghĩ khác biệt này, một ý nghĩ nhen nhóm trong đầu ông Hiển về nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe hơi, xe máy – nơi đạt tỷ lệ nội địa hóa 90% của riêng T&T tại Hưng Yên.
Bắt tay vào thực hiện ngay, năm 2000 nhà máy sản xuất T&T Hưng Yên đã chào đón thị trường với vốn đầu tư 300 triệu USD (khoảng 300 tỷ VND). Đến năm 2003, chiếc xe máy nội địa Việt Nam đầu tiên xuất hiện, và giá thành chỉ bằng 1/3 so với các thương hiệu xe máy ngoại nhập khẩu.
Và đây rồi, vừa đánh trúng nhu cầu thị trường, vừa tạo ra được tiếng vang và giá trị của T&T. Nhà máy sản xuất làm đến đâu, sản phẩm hết nhanh đến đấy, và doanh thu xuất khẩu không ngừng tăng lên, chạm mốc 5 triệu USD/ năm.
Một năm, trung bình T&T tung ra 700.000 mẫu xe gắn máy với 80% tiêu thụ trong nước và dành 20% xuất khẩu sang các thị trường Nam Mỹ, Châu Phi. Quả là một sự vực dậy mạnh mẽ và thành công với quyết định đúng đắn.
Ông chia sẻ: “Mọi người cho rằng việc không thể thực hiện, tôi càng phải làm cho đến cùng. Vì dẫu sao, lúc khởi nghiệp mình đã thực hiện được nhiều thứ, trong khi nguồn vốn và kinh nghiệm đều yếu kém.
Huống hồ chi trải qua nhiều thứ đến vậy rồi mà tôi lại gục ngã ngay lúc này thì quả thật rất buồn. Buồn không phải vì mất tiền, mất vốn. Vốn có thể kiếm lại được, nhưng danh tiếng T&T phải được giữ vững, không được lu mờ.”
Bén duyên với tài chính và ngân hàng SHB
Ngày một khấm khá hơn, ông Đỗ Quang Hiển đã nhảy sang lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi ông lựa chọn mua lại Ngân Hàng Nông Thôn Nhơn Ái (năm 2007).
Việc mua lại ngân hàng cũng rất tình cờ, khi một người bạn làm trong lĩnh vực đã giới thiệu và dắt tay ông đến với chủ Ngân Hàng Nông Thôn Nhơn Ái. Tại đây, cả 2 đã tiến hành đàm phán và nhanh chóng đạt được thỏa thuận nhanh gọn.
Sau khi thu mua, ông Hiển đổi tên ngân hàng thành Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), và trở thành người sáng lập với cổ phần lớn nhất 14%.
Với vốn điều lệ khoảng 400 triệu, 8 nhân viên (ngày 13/11/1993), đến nay SHB đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn tại Việt Nam.
Các thành tựu đạt được của SHB:
- Top 10 Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần uy tín tại Việt Nam.
- Top 100 Ngân Hàng có tiếng trong khu vực ASEAN.
- Top 500 Ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
- Top 1000 Ngân hàng toàn cầu.
- Tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
SHB hiện đang sở hữu khối tài sản 401.926 tỷ VND, vốn điều lệ 17.588 tỷ VND, vốn tự có 36.821 tỷ VND. Hơn 8.371 công nhân viên làm việc tại 530 điểm giao dịch, và phục vụ cho hơn 5 triệu khách hàng, kết nối hơn 400 ngân hàng đại lý khắp châu lục.
Ngoài việc sở hữu SHB, ông Hiển còn là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Công ty chứng khoán SHS, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Bảo Hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội,…
Ông Hiển chia sẻ rằng:
“Đầu tư vào tài chính – ngân hàng là điều tất yếu. Vì các tập đoàn tai to mặt lớn trên thế giới cũng bắt đầu từ sản xuất, lâu dần sẽ đầu tư thêm vào ngân hàng để sinh lời và tạo nên sự bền vững, lớn mạnh của tập đoàn.
Nhưng làm ngân hàng không phải “độc canh”, làm ngân hàng phải có hệ thống, có tài chính, chứng khoán, bảo hiểm cụ thể thì mới tồn tại và phát triển được. Tôi nhấn mạnh, tôi không chọn cách nhanh nhất, ngắn nhất mà chọn con đường bền vững nhất.
Trong thời điểm đó, tại Việt Nam có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể,… rất nhiều nhưng không biết cách làm sao phát huy hiệu quả. Nhưng các doanh nghiệp lớn trên thế giới lại có mối quan hệ khắng khít, mật thiết với ngân hàng.
Đây cũng chính là lúc tôi nhận ra rằng T&T cần phải làm gì đó khác biệt, tạo sự phát triển bền vững nên đã lựa chọn tài chính – ngân hàng làm nơi đầu tư tiếp theo. Chính sự lựa chọn đó, mà hôm nay SHB đã có tên tuổi trên thị trường, là ngân hàng tầm trung có uy tín và thương hiệu.”
Tài sản Đỗ Quang Hiển
Với vốn hóa 15.000 tỷ đồng, chủ tịch Đỗ Quang Hiển thực sự là một đại gia khét tiếng, tập đoàn T&T cũng lọt vào Top các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, ngân hàng SHB do ông Hiển làm chủ tịch hiện đang giữ vốn điều lệ 17.558 tỷ đồng thuộc Top 5 ngân hàng tư nhân lớn tại Việt Nam.
Hiện tại, ông Hiển đang sở hữu 48.147.620 cổ phiếu SHB (tương đương với 2.74%). Đó là chưa kể đến phần cổ phiếu sở hữu gián tiếp thông qua Công ty Cổ Phần Tập đoàn T&T và Công ty Cổ Phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, bao gồm:
- Tập đoàn T&T: 175.046.110 cổ phiếu (tương đương 9.97% cổ phần), trị giá 2.975 tỷ VND.
- CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội: 27.118.106 (tương đương 1.54% cổ phần), trị giá 460 tỷ VND.
Ông Hiển còn đang sở hữu một lượng lớn tài sản, và khả năng chi phối nhiều công ty khác. Nên vẫn chưa thống kê được hết. Nếu trong tương lai, bạn thấy tên Đỗ Quang Hiển xuất hiện trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes nổi tiếng thì không có gì quá bất ngờ.
Đam mê và nặng lòng với bóng đá Việt
18/6/2006, ông Đỗ Quang Hiển đã chính thức bước chân vào lĩnh vực thể thao, và lựa chọn bóng đá làm nơi đặt nền móng cho T&T Hà Nội (hiện nay là CLB Bóng Đá Hà Nội).
Ban đầu, đây chỉ là một câu lạc bộ nhỏ với nhiều thành viên trẻ tuổi và được HLV Triệu Quang Hà (cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam) dẫn dắt. Như một điều thần kỳ, CLB đã nhanh chóng thăng hạng liên tiếp, từ hạng 3 của Giải bóng đá hạng 3 Quốc Gia Việt Nam, lên giành quyền thi đấu tại Giải bóng đá hạng 2 và hạng 1 Quốc Gia. Và điển hình là cú lội ngược dòng vào thi đấu ở V-League 2009.
Thành tích nổi bật của cả đội và CLB Hà Nội bao gồm:
- 5 lần vô địch V-League năm 2010, 2013, 2016, 2018, 2019.
- 5 lần đạt Á quân V-League năm 2011, 2012, 2014, 2015, 2020.
- 2 lần vô địch Cúp Quốc Gia (2019, 2020).
- 4 lần vô địch Siêu Cúp Quốc Gia (2010, 2018, 2019, 2020).
Ở đấu trường Châu lục, CLB Hà Nội (Hà Nội FC) đã lọt vào tứ kết AFC Cup 2014, vào trận chung kết liên khu vực Đông Á (Cúp AFC 2019), vô địch Khu vực Đông Nam Á.
Chưa kể đến, việc ông Hiển còn là người sở hữu 2 câu lạc bộ SHB Đà Nẵng – SHB Quảng Nam. Với SHB Đà Nẵng, cả tập thể đã dành chức vô địch V-League 2 lần (2019, 2012), và SHB Quảng Nam vô địch V-League 2017.
Theo các nguồn tin trong nước, hiện ông Bầu Hiển đã và đang có tầm ảnh hưởng cực lớn đến nhiều CLB thi đấu tại giải vô địch bóng đá Quốc gia Việt Nam V-League như: Kiểm soát và quản lý trực tiếp/ gián tiếp 5 đội bóng.
Phu nhân Đỗ Quang Hiển
Phía sau một doanh nhân thành công, một ông chủ tập đoàn T&T và ngân hàng SHB, một ông Bầu hiển hách, “nổi như cồn”, cùng những trận thắng oanh liệt, và khối tài sản khổng lồ, chính là bà Lê Thanh Hòa – hậu phương vô cùng vững chắc của ông Hiển.
2 người từng là thanh mai trúc mã thuở còn học cấp 3 tại trường Trần Phú (Hà Nội). Cả 2 chuyển từ đôi bạn thân và nên duyên vợ chồng, nhờ đó mà hiểu nhau về tính nết, tình cảm, luôn âm thầm hy sinh, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau.
Là một người tài giỏi không thua kém gì ông Hiển, bà Hòa đủ sức quản lý, gánh vác cả một đế chế tài chính giàu sụ, nhưng lại chọn cách “không nghe, không thấy, không liên quan” gì đến SHB. Không chỉ thế, bà Hòa còn không làm chung với chồng.
Hiện nay, bà Hòa đang giữ chức vụ Trưởng phòng Kế toán của Tổng cục Hậu Cần – Kỹ Thuật, Bộ Công An.
Công việc áp lực, bận rộn ở cơ quan nhưng không vì thế mà bà Hòa bỏ bê gia đình. Nhờ tài sắp xếp hợp lý, mọi việc dần ổn định hơn trong tay bà Hòa, và ông Hiển có nhiều thời gian hơn tập trung mọi sức lực vào hoạt động kinh doanh.
Là một người trăm công nghìn việc, chẳng cần nói cũng biết ông Hiển ngập đầu trong công việc đến nhường nào. Vì thế mà bà Hòa lại là người đứng ra thay chồng chăm sóc, dạy dỗ con cái khi còn nhỏ. Và cho đến nay, bà Hòa vẫn luôn là người gọi điện, hỏi thăm, chia sẻ với con cái trong các chuyến công tác dài ngày.
Nhiều người luôn khao khát có một tình yêu nồng cháy thời tuổi trẻ, thanh xuân. Nhưng để bước vào độ tuổi ngũ tuần mà vẫn giữ được tình cảm mặn nồng như gia đình ông Hiển – bà Hòa thì quả thật rất hiếm.
Ngày 08/03/2017, đúng lễ Phụ Nữ Việt Nam, ông Hiển đã dành tặng một cái ôm thật chặt và trao gửi nụ hôn nồng thắm, đến người phụ nữ luôn bên cạnh, sẻ chia và gánh vác mọi việc gia đình.
Thú vị hơn, khi bức ảnh này được chính con trai cả Đỗ Quang Vinh đăng tải, kèm theo dòng trạng thái: “Còn gì hạnh phúc hơn khi được ở bên nhau và thương yêu đến trọn đời”.
Người kế nghiệp
Với tâm niệm: “Làm gì làm, mục tiêu đầu tiên là chăm lo cho sự phát triển của con, và để con được học hành đến nơi đến chốn.”
Mang trong mình suy nghĩ này, 2 cậu con trai của gia đình không làm ông bà thất vọng. Khi con trai cả Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, đã trở thành Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên SHB Finance nhiệm kỳ 2016 – 2021, sau khoảng thời gian 3 năm du học tại Singapore và 4 năm học thạc sĩ tại Anh Quốc.
Con trai thứ hai trong gia đình là Đỗ Vinh Quang sinh ngày 04/02/1995, đã theo học cùng trường với anh trai và hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ Tịch CLB bóng đá Hà Nội trẻ nhất của lịch sử bóng đá.
Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch công ty tài chính SHB Finance
Là người con trai cả sinh năm 1989, Đỗ Quang Vinh tự lập khi còn rất nhỏ. Vào năm 15 tuổi, Đỗ Quang Vinh đã quyết định sang Singapore du học vì thích tiếng Anh.
Đỗ Quang Vinh chia sẻ: “Lúc đó gần như không chuẩn bị gì mấy, và 2 tháng đầu tiên quả thật là địa ngục, khi phải “bơi” trong môi trường lạ lẫm. Đã có nhiều lần tôi thấy tủi thân, nhục nhã vì không thể giao tiếp, không có bạn bè.
Cho đến một ngày ngồi nói chuyện trước Webcam với cả gia đình. Tôi không nhịn được mà khóc thành tiếng, mẹ vì thương con nên cũng muốn con về. Nhưng bố lại động viên cố gắng thêm một thời gian nữa.
May mắn thay, tôi đã tìm được tiếng nói chung, bắt nhịp và quen dần với cuộc sống mới tại Singapore.”
Sau khi tốt nghiệp tại Singapore, Đỗ Quang Vinh theo học ngành tài chính – ngân hàng tại Đại học Middlesex tại Anh và làm việc cho Hana Bank (của Hàn Quốc). Về sau, Đỗ Quang Vinh tiếp tục con đường học vấn và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tài chính – Quản trị tại University of East Anglia, Vương Quốc Anh.
Một điều bất ngờ hơn khi ai cũng nghĩ Đỗ Quang Vinh “sinh ra tại vạch đích” sẽ quay về Việt Nam và có ngay vị trí quan trọng tại SHB. Nhưng không, một suy nghĩ táo bạo đã đưa Đỗ Quang Vinh sang Mỹ và bắt đầu từ con số 0 khi đặt chân vào lĩnh vực thủy sản, bất động sản.
Tại đây, anh được ông Hiển tin tưởng giao cho chức vụ Giám Đốc Tập Đoàn T&T Mỹ. Một công ty được thành lập vào tháng 7/2014 với 3 mảng kinh doanh chính là xuất nhập khẩu, bất động sản và tài chính.
Trong thời gian đầu, Đỗ Quang Vinh phải làm quen với nhiều đối tác, gặp gỡ khách hàng, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội tiềm năng để đầu tư vào các dự án bất động sản tại Mỹ. Chính vì những áp lực và đổi khác này, mà Đỗ Quang Vinh mất đến 2 năm trong công ty. Sang năm thứ 3, công ty mới chính thức đặt chân vào đầu tư bất động sản.
Cũng chính vì khoảng thời gian 2 năm nghiên cứu, mò mẫm mà Đỗ Quang Vinh đã nhìn thấy thị trường bất động sản tại California – khu vực có nhiều người Việt chung sống. Và chọn 2 phân khúc để đầu tư là sửa nhà – bán biệt thự.
Đỗ Quang Vinh xác định rõ 2 mục tiêu:
- Ngắn hạn: mua nhà cũ qua đấu thầu, sửa sang và rao bán.
- Dài hạn: đầu tư, liệt kê biệt thự vào các danh mục lớn, mất nhiều thời gian.
2 dự án nổi bật của T&T Hoa Kỳ:
- Dự án tại đại lộ Hollywood – thuộc Los Angeles.
- Dự án thương mại với 25 cửa hàng cho thuê tại quận Cam.
Sau đó, Vinh trở về Việt Nam và làm việc tại SHB. Ngày 08/01/2021, ông Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên SHB Finance.
Tại thời điểm công khai xuất hiện, Đỗ Quang Vinh khiến nhiều người ngỡ ngàng khi thấy: “không siêu xe, không rầm rộ, không đồ hiệu, thích dùng xe máy, thích mua hàng giảm giá và ăn vỉa hè.”
Đến khi được lên chức làm bố của 2 thiên thần nhỏ. Anh không che giấu mình là một ông bố đơn thân, và hết lòng vì gia đình. Đầu năm 2020, Đỗ Quang Vinh lần đầu khoe siêu xe Lamborghini Urus đắt tiền được sử dụng khi anh còn sinh sống, làm việc tại Mỹ.
Xem thêm: Đỗ Quang Vinh là ai? Con trai “Bầu Hiển” giữ chức chủ tịch SHS
Đỗ Vinh Quang – Chủ tịch Câu Lạc Bộ bóng đá Hà Nội
Đằng sau người anh cả Đỗ Quang Vinh, là người em “nhị thiếu gia” Đỗ Vinh Quang. Anh sinh ngày 04/02/1995 và theo học tại Đại học Middlesex (Anh) giống như người anh của mình.
Đỗ Vinh Quang là một người có niềm đam mê, yêu thích bóng đá, và chính anh là người thành công thương vụ giao hữu giữa tuyển Việt Nam – Man City (tháng 7/2015). Cuối tháng 1/2020, Đỗ Vinh Quang được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Câu Lạc Bộ Hà Nội và trở thành vị Chủ tịch trẻ đầu tiên của lịch sử bóng đá Việt Nam.
Dù còn rất trẻ, nhưng Đỗ Vinh Quang được đánh giá là một người có nhiệt huyết, thực hiện quyết liệt và yêu thích sự đổi mới. Chính vì vậy, mà mô hình chuyên nghiệp của Hà Nội FC ngày một tăng và luôn có sự đóng góp âm thầm của vị chủ tịch này.
Hiện tại, nhị thiếu gia Đỗ Vinh Quang đang sở hữu 52.378.100 cổ phiếu SHB, tương đương với mức 2.98% cổ phần ngân hàng (cao hơn ông Hiển: 2.74%). Nếu so sánh theo mức giá hiện tại là 10.000 VND/ cổ, thì tổng tài sản mà Đỗ Vinh Quang sở hữu là 523 tỷ đồng.
Những câu nói hay của ông Đỗ Quang Hiển
“Đã là doanh nhân thì phải có tư tưởng làm giàu. Nhưng làm giàu phải đến từ cái tâm, từ sự cống hiến và lòng tự tôn dân tộc. Chứ không phải làm giàu bằng mọi giá, làm giàu bất hợp pháp.”
“Tôi từng ước mơ mình sẽ làm việc ở một cơ quan nào đó để tận dụng, phát huy thế mạnh, khả năng và kiến thức mình học được. Nhưng cuộc sống quá khó khăn và ước mơ đó đã không thể trở thành hiện thực.”
“Tôi thích lựa chọn những công việc mà người khác cho rằng bất khả thi và không làm được. Một khi đã làm là quyết tâm đến cùng.”
“Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường sẽ không thể bị lu mờ được.”
Trên đây là toàn bộ thông tin tiểu sử về ông Đỗ Quang Hiển, về gia đình và sự nghiệp của ông. Hẳn bạn đã thấy được quyết tâm xây dựng, sự kiên trì vượt qua khó khăn và khối tài sản ông sở hữu lớn đến nhường nào. Vì vậy, sau này hãy gọi ông là doanh nhân Đỗ Quang Hiển theo đúng nguyện vọng mà ông từng chia sẻ:
“Xin đừng gọi tôi là bầu Hiển. Hãy gọi tôi là doanh nhân Đỗ Quang Hiển”